Đây là một thể loại hấp dẫn của tờ báo, mà mấy năm gần đây báo chí chúng ta hay sử dụng làm tiếng cười phê phán những con người cùng những thói hư tật xấu trong xã hội rất đắc dụng, sâu cay. Thể loại này đã xuất hiện ở Châu Âu, cụ thể là ở Pháp từ những năm 1920- 1921. Không biết nó được đưa vào Việt Nam thời gian nào, chỉ biết từ khi đổi mới báo chí vì sự đổi mới của đất nước, một số nhà báo của chúng ta đã viết thể loại này trên báo một cách sắc xảo, có tiếng vang, hiệu quả tốt. Song cũng không ít người chưa biết hoặc chưa có thời gian nghiên cứu thể loại này nên viết không đúng, không trúng hoặc nhầm lẫn sang một thể loại khác, vì thế có một số báo đề sai như: “Truyện vui, tiểu phẩm vui hoặc tiểu phẩm…” nhưng thực ra không phải là tiểu phẩm trên báo chí.
Vậy tiểu phẩm trên báo chí là gì? Tại sao lại viết nó trên báo chí được- mà nó không chỉ là của văn học chung chung?
Muốn hiểu được như vậy, chúng tôi thiết nghĩ cần phải đưa ra 3 tiểu phẩm- đây đích thực là tiểu phẩm trên báo chí- làm ví dụ cụ thể, để từ đó chúng ta sẽ phân tích và đi đến cách viết tiểu phẩm.
Thí dụ thứ nhất:
Tiểu phẩm: “ĐỊNH LUẬT THỨ BA CỦA NUI TƠN”
Dịch bằng cấp lan đến cơ quan tôi. Thế là Thủ trưởng đi thi đại học tại chức. Ngày xưa, Thủ trưởng học hết lớp 7 không đủ tiêu chuẩn thi đại học. Trưởng phòng tổ chức đã lo cho “Thủ” bằng bổ túc văn hóa phổ thông.
Nhưng thi cử, bao giờ cũng là thi cử. “Thủ” đi thi, thư ký đi kèm. Ở cơ quan, “Thủ” vẫn thực hiện phương thức: “Tớ ký, cậu chịu trách nhiệm nhé”. Lần này đi thi, “Thủ” hoàn toàn ý thức được “tớ làm bài, tớ chịu trách nhiệm”. Vốn người có nhiều mẹo, “Thủ” không sợ, “Thủ” dặn:
- Mai tớ đi thi, cậu phải đi cùng. Nhớ chọn thằng nào giỏi để đi kèm cậu và tớ. “Thư” ngớ người:
- Xếp đi thi, em đi theo cũng chẳng để làm gì.
- Cậu ngốc lắm. Tớ vào thi, tớ giao nhiệm vụ cho cậu ở ngoài phải chép đầu bài. Khoảng nửa giờ sau tớ xin ra ngoài, lấy bài giải vào chép. Có thế mà cũng chẳng hiểu.
Ngày thi, trình tự công việc như đã phân công. “Thủ” ung dung vào chỗ. nửa giờ, “Thủ” xin ra ngoài. “Thư” theo “Thủ” ra tận nơi kín đáo.
- Thế nào? Các cậu giải xong chưa?
- Thưa xếp, xếp thông cảm, chúng em cũng bỏ học lâu rồi nên không giải được
- Cậu kém thế, có cái định luật thứ ba của “Lưu Tơn” mà cũng không giải được thì làm sao xứng đáng làm thư ký của tớ….
- Lưu Tơn, Lưu Tơn…Lưu Tơn???.. À, em nhớ ra rồi. Lưu Tơn tức là Lưu Văn Tơn, lái xe cơ quan mình. Mà luật đối với lái xe phải là luật giao thông. Mà luật giao thông có điều quan trọng nhất là mọi phương tiện giao thông phải đi về phía bên phải đường.
“Thủ” vào phòng thi”, “Thủ” long trọng viết vào giấy thi:
Bài làm:
1- Phát biểu định luật thứ ba của Lưu Tơn: Mọi phương tiện giao thông phải đi về phía bên phải đường.
“Thủ” rung đùi, tự đắc: Ngày mai về phải ký tăng cho cậu thư ký một bậc lương.
Vũ Hoàn Nguyên
Thí dụ thứ hai:
Tiểu phẩm: “KẾ HOẠCH HẬU CHIẾN”
Một ông cán bộ phụ trách kinh tế ở tỉnh nọ, biết dù có nấn ná mãi rồi cũng đến lúc phải “bàn giao thế hệ” để…hưu. Vì thế, ông tích cực đi “thực tế” xuống các cơ sở sản xuất để chuẩn bị cho kế hoạch “hậu chiến”. Đến nơi nào, ông cũng tranh thủ xin hoặc…”mua” một vài thứ sản phẩm “Cây nhà, lá vườn” do chính nơi đó sản xuất để làm “kỷ niệm”. Công ty điện tử biếu ông một chiếc ti vi màu Sony do họ lắp ráp. Nhà máy xe đạp “kỷ niệm” cho ông một chiếc xe đạp vừa mới xuất xưởng. Trạm giống cây trồng thì chở đến tận nhà ông đủ các loại cây cảnh, cây ăn quả quý hiếm…
Một hôm, ông cùng anh trợ lý xuống một xưởng sản xuất đồ gỗ mới thành lập. Đến nơi, ông kéo tay anh trợ lý ra ngoài bảo:
- Cậu bảo “nó”…kỷ niệm cho mình vài thứ sản phẩm “cây nhà, lá vườn” do họ làm nhé!
- Báo cáo thủ trưởng! không nên lấy sản phẩm của họ làm gì…
- Không là thế nào…Ông cắt lời anh trợ lý có vẻ cáu: -Cậu cứ bảo với tay giám đốc là mình đang rất cần…nhà mình có sáu người, cho mỗi người một chiếc nhé!
- Nhưng …nhưng…- Anh trợ lý định cố nói thêm điều gì thì ông nghiêm nét mặt bảo:
- Cậu cứ chấp hành đi, có gì tôi chịu, không phải lo lắng gì cả! Nhớ dặn họ che đậy cho kín và chở thẳng đến nhà tôi nhé…
Giữa lúc đó, ông giám đốc xưởng ra mời mọi người vào bàn tiệc. Ông thủ trưởng nọ thật vui vẻ khi đã nhìn thấy một chiếc xe phủ bạt kín mít chạy về hướng nhà mình. Trong đầu ông, hình ảnh những chiếc ghế đóng bằng gỗ lát bóng lộn cứ hiện lên khiến ông ăn uống rất ngon lành.
Về đến nhà, ông liền kiểm tra ngay các thứ sản phẩm “cây nhà, lá vườn” vừa mới xin được. Khi nhìn thấy 6 chiếc quan tài sơn son thiếp vàng xếp ở sau nhà, mặt ông tái mét, xuýt ngất xỉu. Lập tức anh trợ lý được triệu đến. Sau một hồi quát mắng ầm ĩ, ông hỏi anh trợ lý:
- Cậu định chơi xỏ tôi phải không?
Dạ thư thủ trưởng không phải đâu ạ! -Anh trợ lý thanh minh: -Mấy lần, em định nói với thủ trưởng là “thằng” xưởng gỗ này mới thành lập, chỉ sản xuất độc một loại sản phẩm này thôi nhưng thủ trưởng cứ gạt đi không cho nói, bảo cứ lấy…Em lại tưởng là thủ trưởng đang chuẩn bị cho một kế hoạch thật là…lâu dài nên mới nói họ chọn toàn loại bền và đẹp nhất xưởng đấy ạ?!!!
Trọng Bảo
Thí dụ thứ ba:
Tiểu phẩm : “GỌI HỒN”
Tín chủ là một phụ nữ khoảng hơn bốn mươi tuổi, trông còn xuân sắc. Đôi má chưa nhăn, điểm nhẹ chút phấn hồng. Sợi dây chuyền lấp lánh trong cổ áo bô-đê. Chị ta nhẹ nhàng đặt sấp tiền và mảnh giấy ghi tên tuổi, giờ mất của người chồng quá cố vào cái đĩa có sẵn lá trầu, quả cau và một nén hương. Cô đồng nâng đĩa lên ngang mày lầm dầm khấn vái trước điện thờ rồi như nói một mình:
- Người này sống phong lưu, chết cũng không khổ. Nhưng hiện nay đi chơi xa- chắc là nghỉ mát- nên chưa gặp được hồn. Biết làm sao đây!?
- Xin cô hết lòng giúp cho vì có việc rất cần. Tốn kém bao nhiêu tôi xin chịu.
- Phải có đôla mua vé máy bay. Mà hình như giá vé lại tăng đấy!
Đợi cho tín chủ đặt thêm tờ 10 đôla vào cái đĩa, cô đồng mới hỏi:
- Việc gì cần nói với hồn nào?
- Chả là anh ấy mất đi, để lại cho tôi ngôi nhà ba tầng. Hôm giỗ mới đây, tôi gửi cho anh ấy một tòa biệt thự, một xe đạp Pơ- giô…
- Sao không gửi xe cúp
- Anh ấy mất vì tai nạn xe máy đâm vào ôtô. Xuống đấy chỉ nên dùng xe đạp cho an toàn. Đi xe máy, lỡ ra thì…chết! Tôi còn gửi vàng, đôla và một cô tố nữ để anh ấy đỡ cô đơn. Thời buổi này, chơi bời lăng nhăng bên ngoài dễ nhiễm HIV đấy. Tôi cũng cô đơn lắm nên phải đi bước nữa, mong anh ấy thông cảm. Còn cần gì thêm xin cứ báo cho tôi biết.
Cô đồng nhắm mắt, mình hơi ngả nghiêng như bay bổng nơi nào. Lát sau, cô mở choàng mắt như vừa chợt tỉnh giấc:
- Gặp hồn rồi ở xa lắm. Hồn nói đã nhận được các thứ. Nhưng nhà ở trong làng, xa đường cái không kinh doanh được. Gửi cho hồn tòa nhà ba tầng ngay mặt phố để làm khách sạn mini hoặc cho tây thuê. Nhớ làm cả bể ngầm kèm theo máy bơm vì dưới này nước nôi kém lắm. Xe đạp chỉ để cho cô giúp việc đi chợ còn hồn phải đi xe máy phân khối lớn hoặc ôtô để đi giao dịch cho oai.
- Còn chuyện tôi đi bước nữa?
- Hồn thông cảm lắm, không ghen đâu. Nhưng hồn cũng cô đơn, cần có thư ký riêng giúp cho khuây khỏa. Muốn mở khách sạn nhà hàng lại phải có mươi cô “thân hình cân đối” nữa.
Tín chủ làm đúng theo hồn dặn. Chỉ có điều khi đặt thợ mã làm tòa nhà ở mặt phố (có cả vỉa hè và cột đèn) chị ta không quên ký tên ở góc khuất để sau này xuống âm ti, còn có chứng lý mà đòi quyền sở hữu. Mười hình nhân mặt hoa da phấn, diện đúng mốt đương thời song rặt là loại ái nam ái nữ, có muốn bồ bịch với ông chủ trai lơ cũng khó.
Văn Thao
Qua 3 thí dụ trên chúng ta thấy, tiểu phẩm khác với trào phúng, trào lộng, truyện vui…Nếu trào phúng, trào lộng chỉ là vui cười, chỉ là tiếng cười thôi, cười cả chuyện cũ như tiếu lâm, thơ bút tre và chuyện mới mang tính hài thì tiểu phẩm trên báo chí không phải như vậy. Ở trong đó cũng có cái cười nhưng cái cười mang “dấu ấn của ngày hôm nay”. Chính vì có “dấu ấn của ngày hôm nay” nên nó có tính thời sự báo chí. Ngày hôm nay thì mới có chuyện “dịch bằng cấp, lên chức lên quan nhờ bằng cấp, có chuyện thủ trưởng phải đi thi lấy bằng, lấy cấp chứ còn trước đây làm gì có”. Hay ngày hôm nay mới nảy sinh “kế hoạch hậu chiến, bàn giao thế hệ” để nghỉ hưu, và có một số cán bộ tham lam, vơ vét, chứ thời bao cấp trước đây làm gì có. Và ở tiểu phẩm “GỌI HỒN” cũng vậy. Thời gian tác giả viết tiểu phẩm này, xã hội nảy sinh tệ nạn lên đồng, gọi hồn người đã khuất, cúng, đốt vàng mã cả nhà lầu, xe máy, ôtô…
Một số người cho tiểu phẩm là bài viết nhỏ thì hoàn toàn không phải mà đây là bài viết về những vấn đề lớn. Tiểu phẩm phải đi vào vạch trần kẻ xấu cụ thể (như cái xấu của ông giám đốc, ông thủ trưởng một cơ quan nọ- trong thí dụ đã nêu) chứa đựng trong mình nó vấn đề lớn và phức tạp của xã hội hôm nay. Nội dung của tiểu phẩm nhằm vào là những cái xấu cụ thể xảy ra trên các vấn đề lớn ở các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội. Vì thế có nhà báo Pháp đã viết: ‘thể loại tiểu phẩm trên báo chí là để viết về những vấn đề lớn- chứ nếu dùng nó để viết về những cái nhỏ nhặt thì không khác gì đem khẩu đại bác để bắn con chim chích”. Giáo sư báo chí Ca-ren Xto- rơ- can, khoa báo chí, trường Đại học Sac-lơ(Pra-ha) cũng nêu rõ: “Tiểu phẩm là một bộ phận cao quý nhất của tờ báo, nó vừa phải thống thiết vừa trí tuệ, nó là một thể loại mà các đề tài lớn là vô tận”.
Như vậy, cho chúng ta đi tới gần như một định nghĩa về tiểu phẩm trên báo chí: “Trong mọi trường hợp, tiểu phẩm phải phối hợp giữa tư duy lô- gíc, suy nghĩ hợp lý với cách biểu hiện trào phúng và dùng các tang chứng châm biếm vạch trần những cái xấu cụ thể có thực, chứa đựng trong đó những vấn đề lớn của xã hội hôm nay”.
Sự tồn tại và phát triển của thể loại này cho thấy một tiểu phẩm trên báo chí viết hay phụ thuộc vào ý nghĩ của tác giả. Ý nghĩ ấy được nâng cao đến mức nào là do những điều kiện viết của tác giả: Tác giả phải cố gắng tìm tòi và có tính sáng tạo, phát hiện, có trình độ văn hóa và kinh nghiệm sống, trí tuệ và năng lực sử dụng từ ngữ…Tất cả các điều kiện ấy hợp thành một thể thống nhất tạo ra những tiểu phẩm trên báo chí có giá trị.
Phạm Tài Nguyên
Nguyên Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo VN