Hồ Chí Minh- Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ, Hồ…Hồ Chí Minh- Điện Biên Phủ…
Câu khẩu ngữ đó không chỉ vang lên trong trái tim mỗi người dân Việt Nam mà còn khắc ghi sâu đậm trong lòng nhân dân tiến bộ nhiều nước trên thế giới. Thời đại Hồ Chí Minh với chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã là mốc son chói lọi không bao giờ phai mờ trong lịch sử.
Thật xúc động khi được nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân chiều ngày 26/4/2004 về ấn tượng sâu sắc nhất sau nửa thế kỷ hồi tưởng lại chiến thắng vĩ đại Điên Biên Phủ. Đại tướng đã xúc cảm thổ lộ ấn tượng sâu sắc nhất của mình (1): “Về thăm lại chiến trường xưa, cả tấm lòng tôi thương nhớ các anh hùng liệt sỹ, nhớ nhất Bác Hồ; nhớ sự lãnh đạo đúng đắn, sự quan tâm hằng ngày của Bộ Chính trị của Bác Hồ đối với chiến dịch. Nhờ có quyết định đúng đắn của Bác và Bộ Chính trị mà trong lúc kế hoạch Na- Va tập trung lực lượng cơ động lớn để tiêu diệt chủ lực ta, thì ta đã đề ra chủ trương mở năm hướng tấn công chiến lược và đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch, buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng để đối phó.
Lúc địch bị động nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị và Bác Hồ đã nêu quyết tâm bao vây và tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ và xác định Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược trong chiến cuộc Đông- Xuân 1953- 1954.
Trước lúc ra trận, tôi đến chào Bác, Bác hỏi:
-
Lần này ra mặt trân, chú thấy có khó khăn gì không?
-
Thưa Bác chỉ có khó khăn là chiến trường xa hậu phương quá, có vấn đề gì quan trọng khó có điều kiện xin chỉ thị của Bác và Bộ Chính trị.
Bác bảo:
-
Được rồi chú ra mặt trận “Tướng quân tại ngoại”, Bác giao cho chú toàn quyền. Việc gì bàn thống nhất trong **** uỷ trao đổi nhất trí với các đồng chí cố vấn thì cứ quyết định thi hành rồi báo cáo sau.
Lúc chia tay, Bác dặn:
- Trận này rất quan trọng, nhất định đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh!
Khi quân ta đã đánh thắng, tôi nhớ chiều 7-5-1954, tôi điện về báo cáo với Bác và Bộ Chính trị. Hôm sau 8-5, Bác Hồ gửi điện khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công, khen ngợi đồng bào các dân tộc. Trong đó có câu “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu”.
Nhận được điện khen của Bác, tôi triệu tập cán bộ chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, chiêu đãi anh em bữa bánh cuốn Mường Phăng (Tất nhiên không ngon bằng bánh cuốn Hà Nội). Tôi đọc điện của Bác và nhấn mạnh câu “thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu”.Tôi nói với anh em: Chỉ có Hồ Chí Minh mới có được câu ấy. Một tuần sau. tôi về chiến khu Định Hóa ở Việt Bắc, đi thẳng đến lán của Bác Hồ. Tôi vừa xuống ngựa, Bác đã ở trong lán ra, ôm tôi và bảo: “Chúc mừng chú chiến thắng trở về”. Rồi Bác nắm tay tôi: “Nhưng còn phải đánh Mỹ nữa”. Đúng là một nhà chiến lược nhìn xa trông rộng. Người đã tiên đoán tình hình hết sức chính xác. Chủ Tịch Hồ Chí Minh của chúng ta là một lãnh tụ thiên tài của đất nước.
Ấn tượng sâu sắc nữa của tôi là đã biết nắm vững tư tưởng quân sự “đánh chắc thắng” của Bộ Chính trị và Bác Hồ”…
Chính vì nắm vững tư tưởng này mà lúc đầu định tranh thủ thời cơ địch mới nhảy dù xuống, đứng chân chưa vững cần tranh thủ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” trong hai đêm ba ngày, để không bỏ lỡ thời cơ. Nhưng sau suy nghĩ, tính toán, cân nhắc, theo dõi sát tình hình thực tế, tương quan lực lượng, địch - ta. Thấy địch đã tăng quân, xây dựng công sự vững chắc, đặt chướng ngại vật, dây thép gai dày đặc, những khó khăn của ta chưa có cách khắc phục, nếu đánh thế này sẽ thất bại. Đặc biệt là nhớ lời Bác Hồ dặn: “
Trận này rất quan trọng phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Đại tướng đã triệu tập họp **** ủy làm công tác tư tưởng chính trị, thay đổi phương án tác chiến và ra lệnh cho bộ đội ngừng nổ súng, rút quân ra, kéo pháo ra, chuẩn bị lại để đánh chắc thắng. Đại tướng nói: “
Đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư hỏa tốc báo cáo với Bác và Bộ Chính trị về thay đổi phương châm tác chiến và nói rõ, trận chiến sẽ kéo dài đến tháng 3 tháng 4 mà cũng có thể kéo dài tới mùa mưa. Vấn đề khó khăn nhất là hậu cần. Bác và Bộ chính trị đồng ý chủ trương thay đổi phương châm tác chiến và cho biết sẽ động viên hậu phương hết sức chi viện cho tiền tuyến với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”…
Chiều ngày 13-3, ta nổ súng mở màn chiến dịch, đánh cứ điểm Him Lam. Trận đầu ta đã giành thắng lợi giòn giã. Tiêu diệt hoàn toàn quân địch…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Điện Biên Phủ là một trận đánh dài ngày nhất, khó khăn nhất, một thử thách cao nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhưng bộ đội ta đã thể hiện tinh thần kỷ luật rất cao. Tinh thần chiến đấu vô cùng dũng cảm và mưu trí…Tôi thấy toàn bộ cán bộ, chiến sĩ ta là những người anh hùng đã phát huy truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của dân tộc. Tinh thần thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ trong lời kêu gọi của Bác Hồ từ những ngày đầu kháng chiến đã thấm sâu vào lòng mỗi người dân Việt Nam, mỗi cán bộ, chiến sĩ của quân đội ta.”
Ngay trong ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5-1954, Bác Hồ đã có bài “Điện Biên Phủ” (bút danh LT), đăng trên báo Nhân Dân. 10 năm sau, Bác lại viết bài “Nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ” (bút danh Chiến sĩ) đăng trên báo này ngày 7-5-1964. Trong đó, Bác nêu rõ: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là cái mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sủ. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn” (2)
Trước Điện Biên Phủ, Việt Nam chưa có tên trên bản đồ thế giới. Với Điện Biên Phủ, nước ta thành một nước tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc ở thế kỷ 20. Điện Biên Phủ làm thay đổi diện mạo thế giới. Làm lên chiến thắng Điện Biên Phủ là nhờ có sự lãnh đạo của ****, Bác Hồ, có quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, có sự tham gia của toàn dân. Điện Biên Phủ tượng trưng cho sức mạnh của cả dân tộc.
Bác Hồ còn làm thơ ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ. Báo Nhân Dân số 184 ngày 12-5-1954 có đăng bài thơ của Bác Hồ với bút danh CB. Bài thơ có đầu đề: “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ” (3). Đoạn cuối bài thơ , Bác viết:
“Thế là quân ta đã toàn thắng
Toàn thắng là vì rất cố gắng
Chiến sĩ viết thư dâng cụ Hồ:
“Xin Bác vui lòng mà nhận cho
Món quà chúc thọ sinh nhật Bác
Chúng cháu cố gắng đã sắm được”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và chính Điện Biên Phủ lại tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp của Người- Người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh./.
Phạm Tài Nguyên
Nguyên Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam
-
Tổng quan của báo giới - báo Lao Động- 2004 (tr28)
-
Sự kiện và nhân chứng - báo QĐND số 125 tháng 5/2004 (tr 36)
-
Sự kiện và nhân chứng - báo QĐND số 125 tháng 5/2004 (tr4)